Thanh điệu và những quy tắc phát âm cần nhớ
Để hành trình chinh phục tiếng Trung đạt hiệu quả tốt thì việc phát âm chính xác mỗi từ là rất cần thiết, nó giúp chúng ta rất nhiều trong việc nói tiếng Trung đúng và chuẩn. Và thanh điệu chính là vấn đề mà các bạn cần quan tâm cũng như các quy tắc cần nhớ khi học phiên âm tiếng Trung. Vậy thanh điệu trong tiếng Trung thực sự rất quan trọng đúng không nào? Hôm nay hãy cùng KOKONO tìm hiểu về thanh điệu và những quy tắc phát âm cơ bản nhé.
Thanh điệu (声调) là gì?
Thanh điệu là hình thức biến hoá cao-thấp-dài-ngắn của một âm tiết. Trong tiếng Hán, một chữ Hán đại diện cho một âm tiết, vì thế thanh điệu còn được gọi là “Tự điệu”.
Thanh điệu có tác dụng phân biệt ý nghĩa. Ví dụ:từ “wuli” với các thanh điệu khác nhau có những nghĩa như sau: 物理 (wùlǐ-vật lý)、物力 (wùlì-vật lực)、无理 (wúlǐ-vô lý)、无力 (wúlì-vô lực)、屋里 (wùlǐ-trong phòng)、五里 (wǔlǐ-năm dặm)、武力 (wǔlì-vũ lực)、无利 (wúlì-vô lợi)...
Thanh điệu có thể được phân tích trên 2 phương diện: điệu loại (chủng loại thanh điệu) và điệu trị (âm vực).
“Điệu loại” tức là chủng loại thanh điệu. Tiếng Trung có 4 loại thanh điệu: Âm bình, Dương bình, Thượng thanh và Khứ thanh.
Âm vực chỉ cách đọc thực tế của thanh điệu, là hình thức biến hoá cao - thấp - thăng - giáng…của âm tiết. Âm vực dùng cách ghi 5 độ, đó là: cao 5, nửa cao 4, vừa 3, nửa thấp 2 và thấp 1.
+Tiếng Trung phổ thông có 04 thanh điệu chính gồm :
- Thanh 1 (âm bình), âm vực 5-5 , ký hiệu “—”.Đọc cao và bình bình. Gần như đọc các từ không dấu trong tiếng Việt. VD: dōngfāng-东方
- Thanh 2 (dương bình), âm vực 3-5, ký hiệu “∕ ”.Phát âm giống dấu sắc trong tiếng Việt. Đọc từ trung bình lên cao. VD: wénxué-文学
- Thanh 3 (thướng thanh), âm vực 2-1-4. Phát âm gần giống thanh hỏi nhưng kéo dài. Đọc từ thấp và xuống thấp nhất rồi lên cao vừa . VD: bǐfǎ-笔法
- Thanh 4 (khứ thanh), âm vực 5-1. ký hiệu “﹨”. Thanh này không có trong tiếng Việt (không đọc giống dấu “nặng” được đâu nhé! ), đây cũng là thanh điệu khó đọc nhất đối với những bạn mới học tiếng Trung. VD: bàdào-霸道
Ngoài ra trong tiếng Trung còn có thanh nhẹ (Khinh thanh): Khinh thanh sẽ biến đổi cao độ khi nó đứng sau các thanh khác nhau (thường rơi vào âm tiết đi sau trong một số từ hoặc các chữ 了, 的, 得, 地, 子, 吗, 呀,吧,着, 呢。。。 ).
Mẹo nhỏ 1: Nếu khinh thanh đứng sau thanh 3 ví dụ như : wǒmen, jiějie, nǐmen... thì khinh thanh được đọc lên giọng ( nhưng vẫn ngắn và nhẹ ).
Khinh thanh đứng sau thanh 1 2 4 thì được đọc hạ giọng ví dụ : māma, Yéye , Bàba...
Mẹo nhỏ 2: Để luyện tập các bạn có thể bắt chước người xưa, vừa đọc vừa di chuyển đầu (chú ý phần cằm) hoặc vung tay (giống đang điều khiển dàn nhạc) theo kí hiệu thanh điệu 1 2 3 4, sẽ rất dễ nhớ (chẳng hạn khi đọc thanh 1 bạn vừa đọc vừa đưa cằm sang ngang, thanh 2 thì hất cằm lên, thanh 3 thì đưa xuống rồi hất lên).
Quy tắc đánh thanh điệu
1. Thanh điệu phải được đánh trên nguyên âm chính của âm tiết (vận mẫu giữa).
Ví dụ: hǎo, ruán, shēn, dà
2. Trong các âm tiết có vận mẫu tỉnh lược (iu ui), thì ký hiệu thanh điệu được đánh trên nguyên âm đứng sau.
Ví dụ: jiǔ, shuǐ
3. Khi thanh điệu được đánh trên nguyên âm i, dấu chấm trên chữ i được bỏ đi
Ví dụ: nǐ, mí
4. Thanh nhẹ (khinh thanh) không đánh ký hiệu thanh điệu.
5. Âm tiết phải được đánh nguyên điệu, không đánh biến điệu, trừ các trường hợp đặc thù.
Quy tắc biến điệu của thanh điệu tiếng Trung
a. Biến điệu của thanh 3
Khi hai thanh 3 đứng cạnh nhau, thì thanh thứ nhất đọc thành thanh 2
Ví dụ:
你好 (ngữ pháp) " Nǐ hǎo " đọc thành " Ní hǎo "
语法 (ngữ pháp) "yǔfǎ" đọc thành "yúfǎ"
b. Biến thanh đặc biệt của 一 (yī) và 不 bù
一 (yī) và 不 (bù) đứng trước âm tiết có thanh 4 biến điệu thành thanh 2
Ví dụ:
yídìng 一定 ,
yícì 一次,
yí gè 一个,
búshì 不是 ,
bújiàn 不见
bù xué 不学…
6 quy tắc viết phiên âm trong tiếng Trung
1. Cách dùng y và w:
Những vận mẫu bắt đầu bằng i, lúc viết phiên âm nếu trước nó không có thanh mẫu thì có 2 cách viết:
- Nếu sau i không có nguyên âm khác thì giữ nguyên i thêm y vào trước nó (yi, yin, ying).
- Nếu sau i có nguyên âm khác thì thay i bằng y (ya ye, yao, you, yan, yang, yong).
Những vận mẫu bắt đầu bằng u, lúc viết phiên âm nếu trước nó không có thanh mẫu thì có 2 cách viết:
- Nếu sau u không có nguyên âm khác thì giữ nguyên u thêm w vào trước nó (wu).
- Nếu sau w có nguyên âm khác thì thay u bằng w (wa, wo, wai, wei, wan, wen, wang, weng).
2. Bỏ hai chấm trên vận mẫu ü:
Những vận mẫu bắt đầu bằng ü, lúc viết phiên âm nếu trước nó không có thanh mẫu thì bỏ dấu hai chấm trên ü, đồng thời thêm y vào trước u (yu, yue, yuan, yun).
Những vận mẫu bắt đầu bằng ü, lúc viết phiên âm nếu trước nó có thanh mẫu j, q, x thì bỏ dấu hai chấm trên ü (ju, qu, xu); nếu trước nó là thanh mẫu l, n thì vẫn giữ dấu 2 chấm (lü, nü) .
3. Viết tắt:
Lúc viết phiên âm, nếu trước iou, uei, uen có thanh mẫu thì viết tắt 3 vận mẫu này thành iu, ui, un. Ví dụ: niu, gui, lun.
4. Viết phiên âm cách đọc âm tiết uốn lưỡi:
Vận mẫu ㄦ viết là "er", lúc làm vận mẫu đuôi viết thành "r". Ví dụ: értóng (nhi đồng), huār (bông hoa). Thanh điệu của âm [er] phụ thuộc vào thanh điệu của phiên âm ban đầu.
5. Cách viết hoa:
- Chữ cái bắt đầu mỗi câu phải viết hoa.
- Tên riêng hoặc các cụm danh từ riêng (tên nước, địa danh, tiêu đề bài văn hoặc tên các cơ quan đoàn thể...) phải viết hoa chữ cái đứng đầu hoặc viết hoa toàn bộ. Lúc viết hoa toàn bộ có thể KHÔNG đánh thanh điệu.
Ví dụ:
越南(Yuènán-Việt Nam)
河内(Hénèi-Hà Nội)
人民日报(Rénmín Rìbào-Nhân Dân nhật báo)
XIANDAI HANYU YUYIN(现代汉语语音-NGỮ ÂM HÁN NGỮ HIỆN ĐẠI).
- Tên người viết theo hai phần Họ & Tên, chữ cái đầu tiên của mỗi phần phải viết hoa.
Ví dụ:
毛泽东(Máo Zédōng - Mao Trạch Đông),
胡锦涛(Hú Jǐntāo - Hồ Cẩm Đào),
欧阳振华(Ōuyáng Zhènhuá - Âu Dương Chấn Hoa)...
6. Cách viết phiên âm trong câu:
- Từ hai âm tiết hoặc đa âm tiết phải viết liền nhau. Giữa các từ phải viết cách nhau. Ví dụ:
Pǔtōnghuà shì jiàoshī de zhíyè yǔyán.(普通话是教师的职业语言- Tiếng Phổ thông là ngôn ngữ nghề nghiệp của giáo viên.)
- Từ đơn âm tiết lặp lại, viết liền nhau. Từ song âm tiết lặp lại, viết tách ra.
Ví dụ:
年年(niánnián);
看看(kànkan);
条条(tiáotiáo);
讨论讨论(tǎolùn tǎolùn);
雪白雪白(xuěbái xuěbái)。
- Từ lặp lại kiểu AABB, thêm gạch ngang ở giữa. Ví dụ:
来来往往(láilái-wǎngwǎng)、清清楚楚(qīngqing-chǔchu)。
Qua bài học trên, các bạn đã hiểu về thanh điệu cũng như các quy tắc cần nhớ khi học phiên âm tiếng Trung chưa nhỉ? Thanh điệu trong tiếng Trung thực sự rất quan trọng. KOKONO hi vọng bài học này sẽ giúp các bạn có thêm kiến thức cũng như kỹ năng trong quá trình chinh phục tiếng Trung của mình. Chúc các bạn học tốt!
Xem thêm:
>>> Phát âm tiếng Trung cực chuẩn với phiên âm Pinyin
>>> Ngữ pháp tiếng Trung – Mẫu câu thương lượng, đề xuất ( Phần 1)
>>> Ngữ pháp tiếng Trung – Mẫu câu thương lượng, đề xuất ( Phần 2)