Bảng chữ cái Tiếng Nhật
Khi mới tiếp cận với một ngôn ngữ nào đó, chúng mình thường bắt đầu với bảng chữ cái và Tiếng Nhật cũng vậy. Đối với nhiều bạn khi mới học Tiếng Nhật có lẽ sẽ cảm thấy hoang mang vì có nhiều bảng chữ cái, nào là chữ cứng (Katakana), chữ mềm (Hiragana), chữ Hán (Kanji), rồi mỗi bảng còn có rất nhiều chữ nữa này, học làm sao cho hết đây? Nhưng thực ra khi học rồi sẽ thấy cuốn hút và rất thú vị đó! Hãy cùng KOKONO khám phá Tiếng Nhật có những bảng chữ cái nào nhé!
Có 2 loại chữ với 3 bảng chữ cái trong tiếng Nhật:
- Chữ Kana (chữ của người Nhật) bao gồm:
+ Bảng Chữ Hiragana ( chữ mềm): Chữ này được sử dụng gần như nhiều nhất trong mọi văn cảnh của Nhật và chúng mình sẽ học từ chữ này. Hệ thống chữ Hiragana có 46 chữ cái căn bản đại diện cho tất cả các âm trong Tiếng Nhật.
Bảng chữ cái Hiragana
+ Bảng Chữ Katakana (chữ cứng): Chữ này thường dùng để kí âm lại tiếng nước ngoài, viết tên người. Đã từng có thời, người Nhật phân định Nam giới Nhật Bản phải dùng Katakana và nữ giới dùng Hiragana, nhưng may mắn là bây giờ chúng ta đã có thể sử dụng tất cả hai bảng chữ rồi!
Bảng chữ Katakana
Chữ Katakana cũng được hình thành ở Nhật cùng thời gian với chữ Hiragana cũng bắt chước cách viết Hán tự theo lối Khải, có cùng một âm thể như 46 chữ Hiragana, nét sắc bén, cứng hơn.
+ Bảng Chữ Kanji ( Hán tự): là loại chữ tượng hình mượn từ chữ Hán được sử dụng trong hệ thống chữ viết tiếng Nhật hiện đại. Hán tự được sử dụng rất nhiều, đa dụng nhưng lại được người Nhật "Nhật hóa" và sử dụng trong cuộc sống (thường xuất hiện ở các biển chỉ dẫn trên đường, trong nhà hàng, khách sạn, nhà ga...).
Bảng chữ Kanji
Năm 1947 Quốc hội Nhật chấp thuận cho duy trì 1850 chữ Kanji trong văn tự Nhật trong đó có 1134 chữ Kanji ở trình độ đại học Nhật và 811 chữ Kanji thông dụng nhất mà ai muốn đọc sách báo, văn kiện Nhật ngữ cũng phải biết. Mỗi chữ Kanji như một bức tranh vẽ và thấm đượm ý nghĩa tượng hình.
- Ngoài ra còn có chữ Romaji nữa, Romaji là một trong bốn bảng chữ cái tiếng Nhật được xem là thích hợp nhất cho người nước ngoài khi mới học tiếng Nhật. Vì ở bảng chữ cái này dùng hệ thống chữ Latinh để ký âm tiếng Nhật nên việc làm quen sẽ dễ dàng, giống như mình viết: "Minasan konnichiwa" chính là chữ Romaji đấy, đơn giản nhỉ? . Chữ này sẽ giúp các bạn trong việc gõ tiếng Nhật trên máy tính.
Lịch sử hình thành của 3 bảng chữ cái tiếng Nhật
Đầu tiên là phải nói đến chữ Kanji. Bộ chữ Kanji được hình thành đầu tiên, có tuổi thọ lâu đời nhất và cũng được sử dụng một cách phổ biến nhất. Người Nhật cho rằng dùng chữ Kanji giúp cho việc đọc hiểu trở nên thực sự dễ dàng và ngôn ngữ đều mang những ý nghĩa rất sâu sắc.
Tuy nhiên, chữ Kanji cũng sớm bộc lộ ra những hạn chế nhất định của nó, bởi trong khi tiếng Hán là đơn âm thì tiếng Nhật hầu như là phải ghép vài âm tiết vào mới thành một từ, và hơn nữa là từ này khi chia quá khứ, hiện tại và tương lai thì cũng lại khác nhau. Do những khiếm khuyết này mà người Nhật cần phải tạo ra thêm một bộ chữ mới để khắc phục được những lỗi này.
Do vậy mà có sự ra đời của bộ chữ Hiragana đó. Bộ chữ này ra đời đã giải quyết được vấn đề của chữ Kanji, việc chia các thì trở nên dễ dàng hơn. Việc này được giải quyết bằng cách sử dụng kết hợp cả 2 bảng chữ cái, chữ Kanji để thể hiện ý nghĩa và chữ Hiragana để thực hiện chức năng ngữ pháp.
Bằng cách sử dụng kết hợp này, hệ thống chữ viết tiếng Nhật vừa đơn giản, vừa dễ hiểu hơn mà vẫn thực hiên đầy đủ chức năng ngôn ngữ của nó.
Vậy các vấn đề đã được giải quyết rồi thì sao lại có sự xuất hiện của bảng chữ cái Katakana nhỉ?
Có một vấn đề mà chữ Kanji hay Hiragana không thể sử dụng được đó là khi phiên âm tiếng nước ngoài như tên riêng, tên địa danh… hay thuật ngữ tiếng nước ngoài sang tiếng Nhật. Nếu sử dụng chữ Hiragana để viết thì người Nhật sẽ rất khó hiểu bởi họ sẽ nhầm tưởng rằng đó là tiếng Nhật và cố suy diễn để hiểu ra tiếng Nhật.
Ví dụ:
ベトナム:Việt Nam
インターネット:Internet
Do vậy mà bảng chữ cái Katakana ra đời, nó sẽ chuyên để phiên âm các từ nước ngoài để tránh gây nhầm lẫn. Ngoài ra chữ này cũng được sử dụng để nhấn mạnh câu, dùng như chữ viết hoa trong tiếng Việt. Hoặc còn được dùng để gọi tên các loại động thực vật mà không thể dùng chữ Kanji hoặc nếu dùng chữ Kanji thì quá phức tạp.
Romaji chính là sự “Latinh hóa tiếng Nhật”. Khi đã học Romaji, những người nước ngoài không cần phải biết tiếng Nhật nhưng vẫn có thể giao tiếp, nói tên người hoặc vật. Đây thực sự là một điều thuận lợi cho những người mới. Nhưng Romaji không thay thế được 3 bảng chữ cái ở trên bởi người Nhật không dùng Romaji trong văn viết của họ.
Các bạn đã hiểu tại sao mà Tiếng Nhật có đến 3 bảng chữ cái và cách phân biệt chúng chưa nào!
“ Vạn sự khởi đầu nan” – câu nói này vốn không sai, cái gì lúc bắt đầu đương nhiên ta đều thấy khó khăn và trắc trở. Nhưng hãy thử nhìn ra thế giới rộng lớn, không chỉ ở Việt Nam mà còn rất nhiều quốc gia khác, có tới hàng nghìn, hàng triệu người ngoại quốc học được Tiếng Nhật, vậy thì chẳng có lý do gì chúng ta không thể cả.
Vì thế, dù có nhiều lúc thấy khó khăn, nản chí nhưng đừng vội bỏ cuộc nhé, hãy cố gắng học Tiếng Nhật từ bảng chữ cái, có thể mất nhiều ngày, nhưng đến một ngày đẹp trời khi chúng ta đọc được, hiểu được, nói được thì lúc đó các bạn sẽ cảm thấy công sức của mình bỏ ra thật xứng đáng. Chúc các bạn học tốt!